Trong đời sống, phong thủy tốt mang lại môi trường sống tốt đẹp, thoải mái cho người sử dụng. Do đó, dù theo trường phái nào đi nữa cũng không nên đi ngược lại nguyên tắc này. Dù vậy trên thực tế, còn tồn tại không ít chuyện “dở khóc dở cười” vì áp dụng phong thủy một cách cứng nhắc về các nguyên lí truyền thống, không phù hợp với khoa học hiện đại. Trong quá trình tư vấn cho các gia chủ, tôi cũng không ít lần chứng kiến và nghe khách hàng than phiền bởi sự “rắc rối” khi làm phong thủy không đúng cách.
Có trường hợp, thầy phong thủy yêu cầu gia chủ phải làm 5 bậc thang, cao 0,9m từ sân bước vào nhà để bậc thang cuối cùng rơi vào chữ “Sinh”. Tuy nhiên nhà hiện trạng có gác lửng, chiều cao thông thủy tầng trệt chỉ 2,7m, khi nâng nền cao như vậy, chiều cao còn lại của tầng trệt chỉ còn 1,8m. Với chiều cao quá thấp, gia đình chỉ biết dùng tầng này để xe, còn lại bỏ trống, trong khi nhu cầu sử dụng nhiều, không gian các tầng trên không đáp ứng đủ, nhưng vẫn chọn vì tin phong thủy đang tốt.
Hay trường hợp để nằm ngủ đúng hướng, một khách hàng tự tìm hiểu hướng hợp với tuổi mình, kê giường nằm xéo, đầu giường không có điểm tựa. Sau khi tiếp thu nhiều ý kiến của bạn bè đến chơi, cho rằng quá mê tín, gia chủ quyết định kê giường thẳng, vuông góc với tường, nhưng vẫn nằm xéo để được hướng tốt.
Nhưng sau một thời gian thay đổi, chủ nhà bị mất ngủ vì luôn chợt thức giấc, lo lắng kiểm tra xem rằng mình đang nằm đúng hướng hay chưa. Cũng có trường hợp thầy phong thủy bắt buộc nhà phải xây diện tích 100m2 mới có bố trí phong thủy tốt, trong khi nhu cầu và điều kiện tài chính của gia chủ chỉ đủ xây 50m2. Vậy nên, giấc mơ có nhà mới của gia chủ đành bỏ ngỏ.
Cần có sự nhìn nhận kĩ lưỡng giữa truyền thống, hiện tại và tương lai trong bố trí phong thủy nhà ở
Ứng dụng phong thủy trong thiết kế nhà ở
Phong thủy được chia ra thành 2 loại Âm Trạch (mồ mả) và Dương Trạch (công trình: nhà ở, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, khách sạn, văn phòng, công trình tôn giáo,…). Trong phạm vi bài viết này, KTS – PTS Nguyễn Đức Hiếu đề cập đến ứng dụng của phong thủy trong nhà ở.
Thứ nhất, chọn vị trí xây dựng: Việc này đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống và bố trí không gian về sau. Khi chọn đất làm nhà, khu đất phải nằm trong khu vực có vượng khí, tức không khí trong lành, cây cối xanh tốt, nguồn nước sạch,… hoặc nếu ở đô thị thì nên trong khu dân cư sầm uất, dân trí cao. Hướng đất phải thỏa mãn vừa là hướng tốt, vừa hợp với gia chủ. Ngoài ra, hướng cần phù hợp với hướng nắng, hướng gió của khí hậu tại địa phương.
Về diện tích đất, nếu rộng vuông vức, tỉ lệ giữa chiều rộng và chiều dài không quá chênh lệch là lí tưởng nhất. Ngoài ra, nếu gặp các thế đất bị các hung sát trong phong thủy Hình Thế như: ngã 3 đâm, góc nhọn chĩa vào nhà, đối diện trụ điện, trước nhà có cây lớn,… hoặc đất gần sông, hồ, núi, công trình cao tầng… cũng cần nên cẩn trọng và đối chứng với phong thủy Lí Khí trước khi quyết định lựa chọn.
Thứ hai, việc sắp đặt không gian: Không gian chuẩn về phong thủy cần tụ khí, tránh tán khí, ứ khí. “Khí gặp Thủy thì dừng, gặp Phong thì tán”, nghĩa là để tụ được khí, cần có vật cản, không chỉ là nước mà có thể là tấm bình phong, cây xanh, đồ nội thất,… Đối với việc ứ khí, cần bố trí nhà thông thoáng, có đường gió vào, có đường gió ra. Ngôi nhà không thoáng, sẽ không cung cấp được khí tươi. Vì vậy mà mọi người sống trong nhà sức khỏe suy giảm, tâm lí khó chịu.
Ngoài đáp ứng các yêu cầu về khí, cần lưu tâm đến sự sắp đặt các không gian. Phong thủy có câu: “Đa cát thắng thiểu hung”, tức nhiều yếu tố tốt sẽ thắng được yếu tố xấu.
Trước giờ chúng ta hay nhầm tưởng, làm phong thủy chỉ quan tâm đến cửa, phòng bếp, phòng ngủ, tuy nhiên các yếu tố khác như cổng, phòng thờ, phòng làm việc, phòng sinh hoạt, cầu thang, hành lang, nhà vệ sinh,… đều đóng vai trò nhất định, góp phần tạo nên cát hung của ngôi nhà.
Nhà có phòng ngủ tốt, phòng bếp tốt, mà những thứ còn lại đều xấu thì phong thủy cũng ở dưới mức trung bình. Mọi không gian đều có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, vậy nên khi tính toán vị trí của một yếu tố nào, cũng phải cân đối với tổng thể sao cho hài hòa nhất.
Thứ ba, việc bố trí nội thất: Khi đã hoàn thành việc sắp đặt không gian, nghĩa là đã biết phòng nào ở vị trí nào, thì sẽ đi vào chi tiết hơn, đó là bố trí nội thất trong từng phòng. Những yếu tố nội thất có ảnh hưởng lớn như cửa, bếp, giường, bàn thờ, bàn làm việc, sofa, bàn ăn, cầu thang,… đều phải đáp ứng nguyên tắc “Tọa Cát, Hướng Cát”, tức đặt ở vị trí tốt và nhìn về hướng tốt theo các trường phái Lí Khí. Ngoài vị trí nội thất so với toàn căn nhà cần phải xét đến vị trí nội thất so với riêng căn phòng. Khi vị trí đáp ứng tốt cả về tổng thể lẫn chi tiết, thì được cho là vẹn toàn.
Ngoài các yêu cầu về tọa, hướng, còn cần tránh một số quan điểm phổ biến như: Tránh cửa chính và cửa hậu thông nhau, không tụ được khí; Không nên đặt bếp phía trên, phía dưới, hoặc bên cạnh các yếu tố liên quan đến nước như nhà vệ sinh, bồn rửa, hố ga, bồn nước. Không đặt bếp ở tâm nhà, bếp không đối diện lối lên xuống cầu thang, cửa vệ sinh, cửa chính.
Giường không đối diện gương soi. Vị trí đặt giường nên bao quát cửa ra vào. Đầu giường không được tựa vào tường bàn thờ, bếp, bồn cầu. Đầu giường tránh đặt dưới cửa sổ, tránh xà ngang, đèn chùm, máy lạnh đè lên giường. Kị giường không có điểm tựa vững chắc. Kị bàn thờ nằm dưới phòng vệ sinh, lối đi lại, giường ngủ… Hướng bàn thờ không nhìn vào nơi mất trang nghiêm như cửa phòng vệ sinh, nơi phơi đồ. Bàn thờ cũng nên tránh nằm dưới dầm, cầu thang. Cầu thang tránh đặt giữa tâm nhà, tránh xông thẳng vào miệng bếp, cửa phòng.
Thứ tư, trang trí nội ngoại thất: Việc xác định màu sắc, vật liệu, hình khối, vật phẩm… chuẩn xác, sẽ giúp phong thủy phát huy hiệu quả hơn. Trường hợp phong thủy đang xấu, nhưng trang trí đúng cách sẽ giảm được mức độ xấu. Trường hợp phong thủy đang ở mức khá, có thể tăng lên mức tốt nếu biết cách trang trí. Bản chất của cách làm này đều dựa vào các nguyên lí về tương sinh, tương khắc của Ngũ Hành.
Thứ năm, xem kích thước: Xu hướng sử dụng thước Lỗ Ban để xem kích thước cửa, vật dụng, càng ngày càng được sử dụng rộng rãi, không chỉ đối với người làm nghề phong thủy mà còn với người thiết kế, thi công và cả chủ nhà.
Trong phong thủy, bố trí nội ngoại thất đáp ứng tốt cả về tổng thể lẫn chi tiết, thì được cho là vẹn toàn
Gạn đục khơi trong
Khi làm phong thủy, không hiếm gặp các trường hợp hợp phái này nhưng vướng phái kia, vấn đề này với phái này tốt nhưng phái kia lại xấu. Để làm phong thủy tốt giống như một đội bóng muốn chiến thắng cần có sự đồng đều ở các vị trí chứ không cần cá nhân nào quá nổi bật nhưng đồng đội lại quá tệ.
Vậy nên, cần “gạn đục khơi trong” các trường phái ở từng tình huống cụ thể, không cần tìm sự hoàn hảo ở bất kì trường phái nào, mà cố gắng cân đối các trường phái đều tránh được các yếu tố xấu, như vậy là đã có thể chấp nhận được.
Sự phát triển, thay đổi của kiến trúc càng ngày càng nhanh, nếu luôn giữ các nguyên lí và quan điểm của phong thủy truyền thống vào trong không gian hiện đại một cách cứng nhắc thì không còn phù hợp. Do đó, khi đứng trước một vấn đề bất kì về phong thủy, cần có sự nhìn nhận kĩ lưỡng giữa truyền thống, hiện tại và tương lai.
Chẳng hạn như quan điểm nhà vệ sinh nằm dưới gầm thang là xấu, vì cho rằng khí uế của nhà vệ sinh sẽ theo cầu thang, dẫn lên trên các tầng. Tuy nhiên khi diện tích của nhà phố nhỏ, muốn tiết kiệm diện tích và làm gọn không gian, các kiến trúc sư buộc phải đặt phòng vệ sinh dưới gầm thang.
Nhưng điều này không còn là vấn đề, khi phòng vệ sinh có hệ thống hút mùi, lại thông thoáng nhờ cạnh ô giếng trời, đồng thời ý thức giữ gìn vệ sinh của người sử dụng càng ngày càng nâng cao, luôn dọn dẹp thường xuyên, trang trí bắt mắt, trồng cây lọc khí, đặt hương thơm ngào ngạt… Phòng vệ sinh thời nay không còn là nơi phải e dè, mà là không gian được gia chủ tự tin giới thiệu với mọi người vì sự hiện đại, thoải mái khi sử dụng.
Khi ứng dụng phong thủy trong thiết kế nhà ở, không phải tìm sự tuyệt đối, mà cần phong thủy ở mức phù hợp và thỏa mãn các yêu cầu thiết yếu của kiến trúc về công năng, thẩm mỹ, kinh tế và bền vững.
Phong thủy phải luôn đi đôi, hài hòa với kiến trúc, nếu không đáp ứng được điều này tự phong thủy sẽ bị đào thải. Chẳng hạn như để tọa hướng của giường ngủ là tốt nhất, thầy phong thủy bắt buộc phòng ngủ phải ở phía trước nhà. Tuy nhiên đối với nhà ống bề ngang hẹp, khi bước vào nhà đã gặp phòng ngủ sẽ mất tính riêng tư, phá vỡ công năng cơ bản của nhà ở. Kết quả là chẳng có khách hàng nào đồng ý với yêu cầu này.
Trong thời đại internet “gõ cửa” từng nhà, việc tiếp cận các kiến thức phong thủy trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vì quá nhiều kiến thức được tìm kiếm dễ dàng, nhanh chóng, nhiều người tìm hiểu về bộ môn này không còn thói quen lục lọi ra bản chất mà chỉ cóp nhặt những thứ áp dụng được ngay. Đáng nói, không ít kiến thức phong thủy được “phổ cập” trên không gian mạng lại thiếu sót, chưa được kiểm chứng, dẫn đến thực hành phong thủy không mang lại hiệu quả.
Ngoài việc tự tìm hiểu, nhiều gia chủ nhờ thầy phong thủy hỗ trợ nhưng không phải cứ tìm đến thầy là mọi việc suôn sẻ. Hiện vẫn còn thực trạng khi xem phong thủy xong, lại càng thêm lo lắng, bởi các thầy “phán” rất vô tư: nhà con rất xấu cần bán ngay, năm nay con xây nhà là gặp tai họa,…
Trong khi đó, sứ mệnh của phong thủy là mang những gì tốt đẹp đến cho con người, chứ không phải đem đến phiền muộn, bất an. Cho nên trong bất kì trường hợp nào, dù sự việc xấu, thì người làm nghề phong thủy cũng cần cố gắng giải quyết sao cho phù hợp trong phạm vi có thể, tuyệt đối không hù dọa gia chủ.
>>>> Xem thêm:
Vai trò của huyền quan sảnh trong phong thủy
Cách hóa giải yếu tố liên quan đến nước, ảnh hưởng đến bếp