Các chuyên gia khuyên bạn nếu có ý định cho trẻ đeo trang sức thì nên lựa chọn các loại trang sức bạc bởi bạc có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và ngăn không cho chúng tấn công cơ thể trẻ.
Bạc là một trong những kim loại phổ biến, thường được sử dụng để làm trang sức và đồ dùng ăn uống. Theo quan niệm dân gian, trẻ đeo trang sức bạc có thể chống cảm, chống gió. Hiện nay, đeo trang sức bạc cho trẻ lại trở thành vấn đề gây tranh cãi. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu lợi ích cũng như rủi ro khi cho trẻ đeo các loại trang sức bằng bạc.
Tại sao nên cho trẻ đeo trang sức bạc?
Theo quan niệm của nhiều người, trẻ đeo dây chuyền bằng bạc hoặc các loại trang sức bằng bạc khác sẽ rắn rỏi, khỏe mạnh hơn so với các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng, liệu điều này có đúng? Thực tế, trang sức bạc là một sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn nếu có ý định cho bé đeo trang sức vì bạc có thể đem đến cho trẻ những lợi ích về sức khỏe như:
1. Bạc có khả năng diệt khuẩn
Bạc là kim loại có đặc tính ngăn chặn sự tích tụ của các tế bào vi khuẩn. Không những vậy, theo nghiên cứu, bạc còn có thể diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh cho con người, kể cả vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây nhiễm khuẩn dạ dày và vi khuẩn E. coli, gây bệnh đường ruột, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Vì vậy, việc cho trẻ nhỏ mang vòng, dây chuyền bằng bạc sẽ giúp tăng sức đề kháng, ngăn không cho các loại nấm, vi khuẩn, virus tấn công cơ thể trẻ.
2. Bạc có khả năng khử độc
Theo nhiều nghiên cứu, bạc có khả năng khử độc rất tốt. Trong quá trình phân hủy tế bào da, cơ thể sẽ thải ra khí độc H2S. Hàm lượng khí H2S thải ra không nhiều nhưng nếu cứ tiếp diễn thì có thể gây bệnh cho bé. Khi đeo trang sức bạc, bạc sẽ hấp thu khí độc này và giúp cơ thể khỏe hơn.
Ngoài ra, bạc sẽ bị xỉn màu khi tiếp xúc với H2S và SO2. Vì vậy, khi đeo, nếu trang sức bị xỉn màu thì nhiều khả năng môi trường trẻ đang sống có chứa nhiều chất độc hại. Bạn nên thay đổi một môi trường sống lành mạnh hơn cho trẻ.
Rủi ro có thể gặp phải khi cho trẻ đeo trang sức bạc
Mặc dù đeo trang sức bạc có thể đem đến nhiều lợi ích về sức khỏe nhưng nếu không cẩn thận khi chọn mua, trẻ có thể gặp phải những vấn đề sau:
Kích ứng da
Làn da của bé vẫn còn rất non nớt. Do đó, khi đeo, các loại trang sức này rất dễ ma sát với da, lâu ngày sẽ gây ngứa. Nếu bé gãi, tình trạng ngứa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, gây đỏ và sưng tấy.
Ngoài ra, trẻ nhỏ thường rất nghịch, các loại trang sức có góc nhọn, móc câu… sẽ dễ khiến da bé bị trầy xước. Từ đó, các loại vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các vết trầy xước này, gây viêm và sưng mủ.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Các loại trang sức bạc rẻ tiền có thể có chứa nhiều hóa chất độc hại như kẽm, đồng, nhôm và đặc biệt là chì, cadimi. Nhiễm độc chì làm cho hệ thần kinh của trẻ bị ảnh hưởng, khiến các tế bào máu không hoạt động bình thường, trực tiếp tác động đến sự phát triển thể chất.
Trong khi đó, cadimi là một loại kim loại rẻ, thường được gia công vào vòng bạc và có chứa nhiều độc tính. Theo nghiên cứu, nếu tiếp xúc thường xuyên, dù chỉ là một lượng nhỏ cũng có thể gây ra các bệnh về gan, thận, xương.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường rất thích ngậm đồ trong miệng. Nếu bé ngậm phải những loại trang sức có chứa chì và cadimi thì sẽ rất nguy hiểm.
Những lưu ý khi mua trang sức bạc cho bé
Nếu có ý định cho trẻ đeo trang sức bạc, bạn nên đợi trẻ hơn 2 tuổi rồi mới cho trẻ đeo. Ngoài ra, khi chọn đồ trang sức cho bé, bạn cũng nên lưu ý một số điều sau:
1. Chọn bạc nguyên chất 100%: Bạc là kim loại tốt với sức khỏe nhưng nếu bạn chọn những loại trang sức kém chất lượng thì có thể có chứa các chất độc hại, có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Do đó, khi mua, bạn nên đến những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tránh mua hàng trôi nổi.
2. Kiểu dáng đơn giản: Bạn nên chọn loại vòng trơn, đơn giản, không có cạnh sắc nhọn thay vì các sản phẩm được chế tác cầu kỳ, phức tạp và có nhiều họa tiết để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên mua những loại trang sức có lục lạc, chuông nhỏ hoặc các bộ phận phát ra âm thanh vì điều này có thể khiến bé dễ giật mình tỉnh giấc.
3. Kích thước vừa vặn: Bạn nên chọn những chiếc vòng có kích thước vừa phải, không quá rộng để tránh bị rơi, tuột và không quá chật để tránh ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
4. Vệ sinh vòng bạc thường xuyên: Trong quá trình sử dụng, bạn nên chú ý vệ sinh trang sức bạc để đảm bảo hiệu quả kháng khuẩn. Để vệ sinh, bạn có thể dùng chanh, xà phòng chà xát hoặc ngâm trong nước vo gạo hay các dung dịch vệ sinh bạc chuyên dụng.
Ngoài trang sức, các dụng cụ ăn bằng bạc cũng đem lại rất nhiều lợi ích
Bên cạnh trang sức, các dụng cụ ăn bằng bạc cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn khi có ý định mua các vật dụng cho bé. Nguyên nhân là các sản phẩm làm bằng bạc thường an toàn, không có chứa hóa chất độc hại như các sản phẩm làm bằng nhựa hoặc thép không rỉ. Ngoài ra, các sản phẩm làm bằng bạc có những lợi ích sau đây:
1. Các sản phẩm bằng bạc không có vi khuẩn
Bạc có khả năng kháng khuẩn. Do đó, khi sử dụng đồ dùng bằng bạc, bạn không cần tốn thời gian khử trùng như các đồ dùng bằng nhựa. Ngoài ra, do không tích tụ vi khuẩn nên khi sử dụng, nguy cơ bé mắc phải một số bệnh do vi khuẩn, virus gây ra cũng sẽ giảm.
2. Dễ tẩy rửa
Đồ dùng bằng bạc rất dễ làm sạch, sau khi dùng xong, bạn không cần phải cọ rửa hay lau chùi nhiều. Sau khi dùng, bạn chỉ cần rửa sạch bằng xà phòng và nước là đủ và cũng không cần phải khử trùng. Bạn đừng đánh bóng đồ dùng bằng bạc dùng cho trẻ sơ sinh vì nó có thể hòa lẫn một số hóa chất gây hại.
3. Giữ được độ tươi của thực phẩm trong thời gian dài
Bảo quản thực phẩm trong các vật dụng bằng bạc luôn là một sự lựa chọn đúng đắn bởi bạc có thể giúp tiêu diệt virus và vi khuẩn có hại trong thực phẩm. Từ xa xưa, người dân ở nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng đồ dùng bằng bạc để bảo quản sữa và rượu nhằm giữ hương vị thơm ngon trong thời gian dài.
4. Không có chứa các hóa chất độc hại
Sử dụng các vật dụng bằng nhựa hiện đang là xu hướng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm bằng nhựa thường chứa nhiều hóa chất độc hại, có thể gây hại cho sức khỏe.
Cụ thể, các sản phẩm bằng nhựa thường có chứa BPA, một hóa chất công nghiệp thường có nhiều trong các hộp đựng thực phẩm và các loại chai nhựa cứng. Nếu sử dụng các vật dụng này, đôi khi hóa chất có thể bám vào thực phẩm, gây mất cân bằng nội tiết tố, béo phì và có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và vô sinh.
Ngoài BPA, các sản phẩm bằng nhựa cũng thường có chứa phthalates, một chất có thể gây ra các bệnh về sinh sản và miễn dịch. Không riêng gì trẻ nhỏ, chất này cũng có thể ảnh hưởng đến người trưởng thành.
Những đồ dùng bằng bạc hay được dùng cho bé
Bạn nên trang bị cho mình một số vật dụng bằng bạc phổ biến sau để đựng đồ ăn cho bé nhé:
Chén bạc
Chén bạc là vật dụng phổ biến mà bạn cần có. Loại chén này có thể sử dụng để đựng cả món nóng lẫn món lạnh. Hiện tại, trên thị trường có bán rất nhiều loại chén bạc với các kích thước khác nhau. Tùy vào nhu cầu sử dụng, bạn hãy chọn cho mình một sản phẩm phù hợp.
Đĩa bạc
Bạn có thể sử dụng đĩa bạc để đựng thức ăn cho bé thay vì sử dụng các loại đĩa làm bằng nhựa hoặc thủy tinh.
Muỗng bạc
Hiện nay, các loại muỗng được bán trên thị trường chủ yếu được làm bằng thép không rỉ. Tuy nhiên, các loại muỗng loại thường chứa nhiều vi khuẩn. Do đó, bạn vẫn nên chọn mua các loại muỗng được làm bạc để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
Ly bạc
Bạn dùng ly bạc đựng sữa và nước của bé thay vì các sản phẩm khác để có thể giữ hương vị thơm ngon lâu hơn.
Cách bảo quản các vật dụng bằng bạc cho bé
Với các vật dụng bằng bạc, bạn có thể sử dụng giống như các vật dụng khác:
- Ly: Bạn có thể sử dụng để đựng các loại chất lỏng như nước trái cây và đồ uống cho bé.
- Chén và muỗng: Những vật dụng này có thể dùng để đựng các món như cháo, súp, cơm…
- Đĩa: Bạn có thể đựng các món như cà ri, thịt kho…
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những chén nhỏ làm bằng bạc để đựng trái cây, rau củ cho bé. Về việc bảo quản và tẩy rửa, bạn có thể làm sạch các đồ dùng bằng bạc với xà phòng và nước.
Trang sức và các dụng cụ bằng bạc có thể đem đến rất nhiều lợi ích thiết thực cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng, bạn cần hết sức cẩn thận để đảm bảo rằng những lợi ích ấy sẽ không biến thành những mối hiểm nguy nhé.