Tin mới nhất

Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5, ý nghĩa, mâm lễ và bài cúng

Tết Đoan Ngọ 5/5 là dịp con cháu bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên và sum vầy sau thời gian dài đi làm ăn xa. Vào ngày này, người dân thường chuẩn bị mâm cỗ cúng, bài cúng… cầu mong một mùa làm ăn mới thuận hòa, may mắn.

Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 Âm lịch, còn có tên gọi khác là Tết Đoan Dương. Đoan ngọ (Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa) là bắt đầu giữa trưa; Dương là mặt trời, là khí dương. Đoan Dương nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.

Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại một số quốc gia Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,… Tại Việt Nam, ngày này còn được gọi với cái tên dân dã là ngày “giết sâu bọ”.

Nguồn gốc ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào mùng 5/5 Âm lịch hàng năm, đây là thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều.

Theo truyền thuyết, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết “diệt sâu bọ”, nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ

Người dân làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.

Theo quan niệm dân gian, người dân ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày 5/5 là một cách để diệt trừ sâu bọ. Vào ngày này, cần phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó là ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Ở nhiều nơi, các gia đình còn có thói quen ăn bánh tro hay còn gọi là bánh gio, chè trôi nước, hạt sen… để diệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người

Vào ngày Tết Đoan Ngọ nên kiêng gì?

Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta cần phải tuân thủ các quy tắc kiêng kỵ sau đây để tránh gặp phải những điều bất lợi:

1. Không được để rơi mất tiền bạc: Theo quan niệm dân gian, việc làm mất tiền vào ngày 5/5 Âm lịch sẽ khiến tài vận giảm sút. Vì vậy, khi ra đường vào ngày này, mọi người cần đặc biệt chú ý đến tài sản cá nhân của mình, tránh để rơi mất.

2. Tránh đến những nơi u ám, âm u: Khi ra ngoài vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta không nên dừng chân ở những nơi u ám, âm u, đặc biệt là những nơi có nhiều tà khí như nghĩa trang, nhà tang lễ, bệnh viện,… để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

3. Không để đồ dép lộn xộn: Từ “giày dép” trong tiếng Hán có cùng âm với từ “tà”. Nếu để đồ dép lộn xộn thì dễ dàng thu hút tà khí. Vì vậy, vào ngày 5/5 Âm lịch, mọi người cần xếp giày dép gọn gàng, tránh những điều xui xẻo đến đường tài lộc và tình duyên.

4. Không nên soi gương sau nửa đêm: Dân gian tin rằng sau 12 giờ đêm ngày mùng 5/5 Âm lịch, âm khí hoạt động rất mạnh mẽ nên tuyệt đối không nên soi gương hay chụp ảnh trước gương để tránh dẫn dụ tà khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Văn khấn ngày Tết Đoan Ngọ

Vào ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 Âm lịch) theo phong tục người Việt thường làm mâm cơm để dâng lên tổ tiên và cầu mong một mùa làm ăn mới thuận hòa, may mắn.

Mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ gồm: Hương, hoa; Nước; Rượu nếp. Mâm cúng còn gồm các loại hoa quả: Mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối. Gia chủ có thể chuẩn bị thêm bánh tro (bánh gio) và chè hạt sen sẽ khiến mâm cúng thêm đầy đặn.

Văn khấn ngày mùng 5/5 – Tết Đoan Ngọ không cần quá phức tạp, gia chủ có thể tham khảo mẫu văn khấn chuẩn và đơn giản nhất dưới dây:

Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ).

Tín chủ chúng con là: …

Ngụ tại: …

Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ năm Nhâm Dần, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành Hoàng, chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

==> Xem thêm: Tết Đoan Ngọ là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Đoan Ngọ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *