Theo quan niệm xưa, tháng 7 âm lịch được coi là thời điểm mang lại nhiều xui xẻo, vận hạn cho con người.
Trong tục lệ của người dân Việt Nam, tháng 7 âm lịch được gọi là “tháng cô hồn”. Quan niệm này đã lưu truyền qua hàng nghìn thế hệ và có nhiều giả thuyết xoay quanh.
Giải nghĩa về tục lệ Rằm tháng 7 âm lịch, tác giả Bùi Xuân Mỹ viết trong cuốn Tục thờ cúng của người Việt: “Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ”.
Theo tờ China Highlights, tháng 7 âm lịch là thời điểm quỷ môn mở rộng và cho phép vong hồn quay về. Trong hàng nghìn năm, tháng 7 bị coi là thời điểm đáng sợ nhất trong năm.
Trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt do NXB Văn hóa Thông tin phát hành có viết: “Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc”.
Vào tháng cô hồn, người ta quan niệm rằng, ma quỷ sẽ đi lang thang khắp nơi để quấy phá, mang lại tai ương cho con người. Vì vậy, ngoài các cỗ cúng, lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo.
“Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè và đồ vàng mã. Khi cúng xong, các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó” – tác giả Bùi Xuân Mỹ liệt kê.
Dù vậy, các chuyên gia khẳng định, nguồn gốc của tháng cô hồn không hẳn là bắt nguồn từ Trung Quốc. Các nền văn hóa ở khác như Ấn Độ, Campuchia hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 âm lịch, và những truyền thống này có thể xuất hiện trước cả đạo Phật.
Một truyền thuyết dân gian kể rằng, Vua Yama (người cai trị địa ngục) mở cổng địa ngục và cho phép một số hồn ma đến hưởng lễ cúng tế ở trần thế. Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc tin rằng cổng thiên đường cũng được mở trong tháng 7 âm lịch và họ thờ cúng tổ tiên một cách chỉn chu.
Tháng cô hồn được biết đến với tên gọi Ghost Month (Tháng ma quỷ) trong tiếng Anh.
Tờ YahooLife giải nghĩa, tháng cô hồn là sự kết hợp văn hóa từ Đạo giáo và Phật giáo. Ở các nơi với tín ngưỡng khác nhau, người dân cũng có những tập tục, cách thờ cúng khác biệt.
Trong khi quan điểm của Đạo giáo tập trung vào việc xoa dịu các linh hồn lang thang thì với văn hóa Phật giáo, người dân nghiêng về bày tỏ lòng hiếu thảo và tưởng nhớ tổ tiên.
Vì vậy, nên ở Việt Nam, người dân thường tổ chức ngày lễ Vu lan báo hiếu đồng thời với lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ thí thực cho chúng sinh (cúng chúng sinh) vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Tuy nhiên, người miền Bắc thường trọng lễ Xá tội vong nhân còn miền Trung và miền Nam lại đề cao lễ Vu Lan báo hiếu bậc sinh thành.
Có nhiều cách lý giải về tập tục trong tháng 7 âm lịch. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những quan niệm ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đề cao tấm lòng báo hiếu và làm phúc, sống thiện lương.
Xem thêm:
Cúng cô hồn hàng tháng: Bài khấn, mâm cúng, cách cúng chuẩn
Vàng mã cúng Rằm tháng 7 gồm những gì? Đốt như thế nào?