Vào ngày vía Thần Tài chắc hẳn ai cũng tâm niệm mong sẽ “cầu được ước thấy”. Nếu không muốn gặp xui xẻo ngược lại thì hãy lưu ý ngay những thứ kiêng kị để tránh bị mất lộc cả năm.
Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) được xem là ngày quan trọng để cầu tài với người Việt, đặc biệt là những người làm ăn, buôn bán. Theo quan niệm dân gian, vào ngày vía Thần Tài, mọi người thường sắm lễ tạ dâng Thần Tài và xin lộc may mắn đầu năm. Tuy nhiên, có những điều kiêng kỵ cần tránh để gia chủ và công việc làm ăn được thuận buồm, xuôi gió.
1. Không để ban thờ Thần Tài lộn xộn, bụi bặm
Nhiều người tìm hiểu sự tích về Thần Tài, có những tích kể về Thần Tài xuất thân lôi thôi, luộm thuộm, ăn mặc rách rưới, và có những tài liệu nói rằng ban thờ Thần Tài để càng bụi càng… có lộc. Những điều này đều sai cả.
Ban thờ Thần Tài không nên để hương tàn khói lạnh, đặc biệt trong ngày vía Thần Tài. Ban thờ cần được lau chùi, dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Trước khi dâng lễ vật để cúng, gia chủ cần bài trí lại ban thờ Thần Tài cho đúng thứ tự. Không phải bày càng nhiều thì sẽ càng có lộc. Ngược lại, quá nhiều vật phẩm phong thuỷ hoặc lễ vật tiến dâng cùng lúc sẽ gây lộn xộn, điều này cũng không chứng tỏ được lòng thành của gia chủ.
2. Không cúng bằng hoa quả giả
Nhiều người dân lấy lý do bận rộn và giữ được lâu nên dùng hoa quả giả để thờ. Cũng có nhiều người mua cành vàng lá ngọc về cắm ở lọ hoa để mong phát tài, chiêu lộc. Tuy nhiên, dù thờ cúng hay lễ lạt vị nào cũng không được dùng hoa quả giả. Đây là điều bất kính.
Khi dâng cúng, nên dùng quả ngon, hoa tươi, có nụ và hương thơm càng tốt. Nhiều người cũng dâng cúng quả Phật thủ để có mùi thơm, tuy nhiên, nên ưu tiên những loại quả ăn được như chuối, cam quýt, táo, lê,…
3. Không cúng Thần Tài ngoài trời hay trước cửa
Ban thờ Thần Tài đặt ở đâu thì mâm cúng lễ đặt tại đó. Không được dâng lễ vật cúng ngoài sân hay trước cửa. Cúng Thần Tài là lễ nghi thực hiện tại gia, cửa hàng, công ty, nơi làm ăn buôn bán chứ không thực hiện ở đình chùa, miếu mạo.
4. Không dùng đồ ôi thiu, đồ cũ, hoa héo trên ban thờ Thần Tài
Đồ cũ đã dùng, đồ ôi thiu tuyệt đối không được đặt lên ban thờ Thần Tài. Tương tự, hoa héo không được dùng mà phải thay bỏ ngay. Đây là điều tối thiểu trong nghi thức cúng cầu tài.
5. Không ăn mặc hở hang, váy ngắn đọc văn khấn
Khi tiến hành cúng lễ và đọc văn khấn, gia chủ không được ăn mặc hở hang, váy ngắn, áo trễ cổ, quần đùi. Mà trước khi hành lễ cần nghiêm cẩn, đầu tóc gọn gàng, ăn vận lịch sự để thể hiện sự tôn kính với các vị thần.
6. Đặt bàn thờ ở những nơi sạch sẽ
Bàn thờ Thần Tài được đặt dưới đất nhưng phải là tại nơi sạch sẽ, trang nghiêm để hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính. Tuyệt đối gia chủ không được đặt bàn thờ Thần Tài ở gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp.
Ngoài ra, không chỉ vào ngày vía Thần Tài, mà mọi ngày trong năm đều phải nhớ giữ ban thờ Thần Tài sạch sẽ. Chủ nhà có thể dùng nước sạch hoặc rượu, dùng khăn sạch để lau dọn bàn thờ.
Xem thêm:
Kinh doanh nên cúng Thần Tài vào lúc mấy giờ?
Mua vàng ngày vía Thần Tài giờ nào tốt?