Tin mới nhất

Rằm tháng giêng và cách chuẩn bị mâm cúng

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng gồm những gì? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết cách chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng tươm tất nhất bạn nhé!

Ý nghĩa cúng rằm tháng giêng

“Theo truyền thống Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày trọng đại và vô cùng đặc sắc, mang ý nghĩa rất lớn. Vào ngày này, dân chúng lên chùa cúng dâng sao giải hạn với mong muốn giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Chính vì vậy mà vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc”, T.S Đinh Đức Tiến cho biết.

Từ nghi thức Phật giáo này kết hợp thêm với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, từ đó, không gian thờ cúng của ngày Rằm tháng Giêng càng mang nhiều ý nghĩa hơn.

Rằm tháng Giêng có ý nghĩa thế nào đối với người Việt? - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Rằm tháng Giêng đánh dấu sự kết thúc tháng “ăn chơi” của người nông dân để bắt tay chuẩn bị một vụ mùa mới. Trước khi xuống đồng, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Cũng theo quan niệm xưa, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm, giờ Ngọ (từ 11h trưa đến 1h chiều) là thời điểm tốt nhất. Mọi người tin rằng, đây là khung giờ thần Phật giáng thế, sẽ chứng nghiệm cho lòng thành của gia chủ.

Tuy nhiên, nếu không sắp xếp được thời gian trên, gia chủ có thể làm lễ cúng trong khoảng thời gian từ sáng ngày 14 tháng Giêng đến trước 19h ngày 15 tháng Giêng.

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng gồm những gì?

Để một lễ cúng rằm tháng Giêng diễn ra suôn sẻ, đúng nghi thức thì việc chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tươm tất là rất quan trọng. Theo truyền thống của ông cha ta bao đời nay thì mâm lễ cúng ngày rằm tháng Giêng thường có hai phần là lễ vật cúng và mâm cỗ. Lễ vật cúng thường có những vật phẩm quen thuộc như:

  • Rượu
  • Nước
  • Trầu cau
  • Đèn cầy
  • Vàng mã
  • Nhang
  • Bánh kẹo
  • Trái cây
  • Bình hoa tươi

Hoa dùng cúng rằm tháng Giêng phải luôn là hoa tươi, tuyệt đối không được dùng hoa giả. Ngoài ra, vàng mã bạn cũng chỉ nên chuẩn bị một lượng nhỏ, mang tính tượng trưng là chủ yếu, không nên đốt quá nhiều gây lãng phí. Trái cây nên chọn những trái tươi mới, thơm ngon nhất, bày thành mâm ngũ quả tương tự mâm ngũ quả ngày Tết.

Các gia đình nên bày mâm ngũ quả thật đẹp để lễ trong ngày rằm tháng Giêng

Về mâm cỗ, các gia đình có thể làm mâm cỗ rằm tháng Giêng chay hoặc mặn tùy theo nhu cầu cũng như khả năng của mình.

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng

Thông thường, mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng sẽ có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng tròn 10 món để tạo thành mâm cơm đầy đủ, tươm tất. 4 bát gồm canh măng, canh bóng, bát miến, bát mọc, 6 đĩa gồm thịt gà trống luộc (hoặc thịt lợn luộc), giò/chả, nem, đĩa xào, dưa muối/hành muối, xôi/bánh chưng, ngoài ra có thêm nước chấm.

Bên cạnh đó, mâm cơm cúng gia tiên cần phải có đầy đủ các vị: Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành và vị ngọt của bánh. Tất cả các vị này sẽ tạo nên một mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm, an lành và xua đi những đen đủi.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một gợi ý mâm cỗ cúng ngày rằm tháng Giêng theo kiểu truyền thống. Trên thực tế, hiện nay các gia đình có thể gia giảm, thay đổi các món ăn cho hợp với khả năng tài chính cũng như nhu cầu của mỗi nhà. Vì dù thế nào đi chăng nữa, cúng bái chỉ cần thành tâm là chính, món ăn đơn giản nhưng chuẩn bị sạch sẽ, tươi ngon là được.

>>> Xem ngay:  Mua vàng ngày vía Thần Tài giờ nào tốt?

Mâm cúng chay rằm tháng Giêng

Ngoài mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng thì hiện nay, một số gia chủ thờ Phật còn dâng cả mâm cỗ chay để thắp hương trong ngày này. Trước kia người ta chỉ cúng đồ thuần chay nhưng hiện nay, đồ thuần chay thường chỉ dùng dâng cúng Phật, còn mâm cúng gia tiên, thần linh thì thường dùng đồ chay giả mặn.

Nếu dâng mâm cúng thuần chay, gia chủ cần chuẩn bị hoa quả, xôi chè, rau xào chay, canh rau củ hoặc canh nấm, các món đậu. Ngoài ra, một số gia đình còn bày thêm bánh trôi nước để cầu mong một năm trôi chảy, thuận hòa. Màu sắc của các món ăn trên mâm cỗ chay được cho là tượng trưng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay cúng rằm tháng giêng

Mâm cỗ chay giả mặn cũng được chuẩn bị tương tự như mâm cỗ mặn chỉ khác là các món ăn không có thịt mà sử dụng rau, củ và bột để thay thế. Với nhiều gia đình, dùng cơm chay vào ngày rằm tháng Giêng cũng là một cách để hướng tới sự thanh thản, an nhiên trong tâm hồn.

>>> Xem thêm: Mâm cúng ngày thần tài đầy đủ nhất bạn đã biết chưa?

Trên đây là cách chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng đầy đủ, thành tâm, các gia đình có thể tham khảo thêm bài cúng rằm tháng Giêng để đọc trong lễ cúng. Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, vì vậy, dù bận rộn đến đâu các gia đình cũng nên cố gắng chuẩn bị cho thật tươm tất, chu đáo nhất nhé!

Để tham khảo thêm thông tin về các lễ cúng khác trong năm, bạn hãy thường xuyên truy cập Ancarat nhé! Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết sau!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *